Ảnh chỉ mang tính minh họa

Mỗi sáng thức dậy, cậu bé 10 tuổi Jacob Heitmann bắt đầu ăn sáng rồi hướng đến tầng hầm để xem công việc kinh doanh của mình có nhận thêm đơn hàng nào mới không. Dù còn bé nhưng Heitmann đã nhận sản xuất đồ chơi nhựa bằng máy in 3D.

Nếu có đơn hàng mới, Heitmann sẽ lấy mẫu thiết kế cho vào máy in và để đó đi học. Quá trình in 3D mẫu thiết kế sẽ cần 9 tiếng để hoàn thành.

Kể từ tháng 1/2024 đến nay, công việc kinh doanh của Heitmann đã đem về hơn 1.700 USD doanh thu từ đơn hàng của bạn học cùng lớp hay những khách hàng qua website và cửa hàng trực tuyến "Etsy Shop" của mình.

Rất nhiều mặt hàng của Heitmann chỉ có giá chưa đến 20 USD và cậu bé 10 tuổi này chỉ làm việc 3 tiếng mỗi ngày vì còn bận học hành.

"Tôi luôn muốn được bán thứ gì đó cho mọi người. Điều này thật thú vị khi xây dựng một danh sách hàng hóa và nghĩ xem bạn sẽ thu bao nhiêu tiền từ chúng. Điều này khiến cháu cảm thấy như một doanh nhân thực thụ vậy", cậu bé Heitmann cười nói.

Khởi nghiệp chưa bao giờ là sớm

Cậu bé Heitmann đã đề nghị cha mẹ mình mua một chiếc máy in 3D trị giá 300 USD của Trung Quốc cho ngày sinh nhật 9 tuổi năm 2023 của mình. Chiếc máy này chỉ in được sản phẩm một màu nhưng như thế là đã đủ để Heitmann đi chào hàng.

Khi đó để không làm cha mẹ bị sốc, Heitmann đã nói với họ rằng đây là một công nghệ cho ngành nghệ thuật có thể thay đổi cuộc sống. Trên thực tế là Heitmann bắt đầu học cách in đồ chơi từ Youtube và các trang web hướng dẫn để đi chào bán cho bạn cùng lớp.

Sau khi công việc "làm ăn" đã có tiến triển, Heitmann bắt đầu thú thực với cha mẹ để đề nghị họ "đầu tư" chiếc máy in 3D thứ 2 có khả năng in màu với giá 949 USD.

Công việc kinh doanh của Heitmann tiến triển thuận lợi nhưng cũng tạo nên vô số đối thủ cạnh tranh. Nhiều bạn bè cùng trường cũng mua máy in 3D và chào hàng đồ chơi để cạnh tranh với Heitmann, khiến giáo viên phải gọi các cậu bé lên để cảnh cáo về hành vi kinh doanh quá đà trong lớp học.

Vào tháng 4/2024, một gia đình quen biết với nhà Heitmann đã đề nghị cậu bé 10 tuổi in đồ chơi là những mô hình tháp Chase Tower ở Chicago cho bữa tiệc nghỉ hưu. Ban đầu Heitmann muốn thu phí 20 USD/chiếc nhưng cha của cậu bé đề nghị nâng giá lên 45 USD vì mỗi mô hình tốn đến 9 tiếng chạy máy.

"Văn phòng" của cậu bé Heitmann

Với mức giá mới, Heitmann thu về 540 USD doanh thu nhờ đơn hàng này và cậu bé dự định đầu tư thêm một chiếc máy in 3D nữa để mở rộng kinh doanh.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Heitmann khởi nghiệp. Cậu bé này đã bắt đầu kinh doanh từ năm 9 tuổi nhưng thất bại.

Ban đầu Heitmann đã nhờ ông nội của mình, vốn sở hữu một doanh nghiệp bán máy in, tạo nên những chiếc áo phông có in logo tài khoản Youtube của cậu bé. Tài khoản này là nơi Heitmann đăng tải các nội dung về đồ chơi như Roblox hay Minecraft.

Sau đó Heitmann mở một website để chào hàng những chiếc áo phông in logo này nhưng lại chẳng có thời gian quản lý do quá bận học, do đó chỉ tiêu thụ được khoảng 20 chiếc. Bởi vậy Heitmann quyết định đóng cửa "dự án" để chuyển sang kinh doanh đồ chơi bằng máy in 3D.

Quay trở lại câu chuyện, dù công việc kinh doanh có tiến triển nhưng Heitmann cũng gặp khá nhiều khó khăn.

Bên cạnh vấn đề bị sao chép mô hình kinh doanh bởi các đối thủ là chính những bạn học cùng trường thì Heitmann cũng không có nhiều thời gian để có thể đáp ứng lượng đơn hàng gia tăng.

Tháp mô hình Chase Tower

Kể từ sau thương vụ thành công in tháp mô hình Chase Tower, Heitmann đã nhận được thêm 6 đơn hàng mới từ những người tham gia buổi tiệc đó nhưng cậu bé cần thời gian mới hoàn thành hết được đơn hàng.

Thời khóa biểu hàng ngày của Heitmann phủ kín lịch học, làm bài tập và hoạt động thể chất nên nhà khởi nghiệp trẻ này chỉ có khoảng 3 tiếng mỗi ngày để làm các đơn hàng. Thậm chí khi gia đình Heitmann đi du lịch, cha mẹ của cậu yêu cầu con mình tạm dừng kinh doanh.

"Con tôi không có đủ thời gian để nhận thêm các đơn hàng nữa. Lịch học tập, chơi thể thao và đi ngủ đúng giờ khiến nó không có đủ thời gian", cha của Heitmann than thở.

*Nguồn: CNBC

Băng Băng